Sự trưởng thành với thời gian, sống vì thứ mình yêu và chết cũng ở nơi linh hồn mình trú ngụ, đó là những motip quen thuộc mà đạo diễn Giuseppe Tornatore xây dựng nhân vật của mình. Sau bộ phim kinh điển Cinema Paradiso (1988) thì The Legend of 1900 (1998) chính là bộ phim mà mình tâm đắc nhất của vị đạo diễn người Ý này.
Mượn hình ảnh đại dương sâu thăm thẳm rộng mênh mông để đại diện cho số phận của một con người, một tài năng thiên bẩm về âm nhạc. Đại dương có vô tận không ? Không, đại dương luôn có sự giới hạn của nó. Và đời sống của con người cũng vậy, cái chết chính là sự giới hạn lớn nhất của cuộc đời con người. Vẻ đẹp của con người không nằm ở sự chiến thắng mà vẻ đẹp của con người nằm trong giới hạn của nó. Bản chất của cuộc đời là giới hạn, cái điều nó không làm được mới làm nên giá trị của nó. Tuy nhiên có một thứ không hề có giới hạn, mà nó lẩn khuất bên trong sự giới hạn, cái không giới hạn nằm trong cái giới hạn, nó tồn tại ngay ở những thứ nó bé nhất, đó chính là sáng tạo. Nếu con người trở nên bất tử, liệu họ có còn sáng tạo không ? Nếu biết rằng những ngọn núi kia là cao vô tận thì con người còn muốn chinh phục nó không ? Và nếu chiếc đàn piano không phải 88 phím mà dài hàng ngàn phím hoặc bất tận thì liệu có sinh ra những giai điệu đẹp đẽ đến thế không ? Bộ phim không chỉ nói về đam mê và tình yêu bất diệt mà còn tố cáo một xã hội đã cho chúng ta quá nhiều thứ, nhồi nhét chúng ta đủ thứ khiến cho chúng ta lạc lõng giữa thế giới, không biết bản thân mình là ai, sống vì điều gì hay đơn giản nhất là thứ gì khiến trái tim ta rung động. Một trong những lời thoại hay nhất không chỉ gói gọn trong bộ phim này mà còn trong tất cả những bộ phim trên màn ảnh, đối với mình:
Đoạn nhạc "Playing Love" được viết bởi nhà soạn nhạc vĩ đại Ennio Morricone, 1900 chơi trong khoảnh khắc anh bắt gặp một người thiếu nữ xinh đẹp (Mélanie Thierry), và đó cũng là lần đầu anh rung động trước một người con gái, và cũng là lần âm nhạc của anh như nói thay hết lên những điều rất thầm, rất kín, rất riêng của bản thân mình. Chính vì thế anh không cho phép chiếc đĩa vinyl được mang lên đất liền mà anh chỉ muốn dành tặng bản nhạc cho người con gái ấy, bởi vì không phải anh hay, mà chính cô ấy mới là nguồn cảm hứng cho anh tạo nên một giai điệu đẹp đẽ đến như vậy.
Written by Hieu Chels
Comments